Trước đây, games hay trò chơi điện tử bị coi là thú vui giải trí “có hại cho sức khỏe”, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Nhưng điều gì khiến games tại quốc gia này trở thành bộ môn thể thao, thậm chí mang tầm quốc tế?

Esports khác Games ở điểm nào?
Ông Đỗ Việt Hùng, Tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam, khẳng định rằng, thể thao điện tử (eSports) là một môn thể thao. Bằng chứng là việc eSports đã được lựa chọn đưa vào thành nội dung thi đấu chính thức tranh huy chương ở SEA Games 30, SEA Games 31 và ASIAD 19 sẽ được tổ chức vào tháng 9/2022 tại Trung Quốc.
Trên trường đấu khu vực và quốc tế, đội tuyển eSports Việt Nam gặt hái được nhiều thành công và được đánh giá là một đội mạnh. Đây là tiền đề thuận lợi để thể thao điện tử Việt Nam ngày càng được tiếp cận, khẳng định mình ở những sân chơi lớn.
Theo ông Hùng, có hàng loạt trò chơi điện tử được tung ra thị trường trên toàn thế giới mỗi ngày, nhưng không phải game nào cũng được coi là một bộ môn thể thao điện tử. Để một trò chơi trở thành môn thể thao điện tử cần có các điều kiện sau đây, ông Đỗ Việt Hùng cho biết thêm:
“Trò chơi điện tử phải được bổ sung luật thi đấu. Trong luật thi đấu sẽ thể hiện được tính cạnh tranh công bằng; có các yếu tố về kỹ-chiến thuật; Thể thao điện tử cần phải có những hoạt động tổ chức như các giải đấu, các sự kiện, đồng thời cũng cần phải được công nhận bởi các tổ chức quốc tế”.
Cộng đồng eSports ở Việt Nam hình thành ra sao?
Có thể nói, cộng đồng eSports được hình thành khá sớm tại Việt Nam từ đầu những năm 2000 với sự xuất hiện của các bộ môn đời đầu như Starcraft, Counter Strike 1.1 và AOE. Tuy nhiên, các cộng đồng này đều mang tính tự phát và hoạt động nhỏ lẻ. Nếu có đi thi đấu thì quy mô giải còn hạn chế.
Năm 2002, Việt Nam lần đầu tham dự giải đấu World Cyber Games (WCG) trong bộ môn AOE. Sự kiện này đánh dấu “ấn tượng Việt Nam” trên bản đồ eSports châu Á.
Từ năm 2003 – 2008 chứng kiến sự phát triển “bùng nổ” của cộng đồng eSports. Trên tất cả các diễn đàn eSports khu vực và quốc tế đều phải nể phục các game thủ “cờ đỏ sao vàng”. Các “clan” được hình thành và được coi là mô hình chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Các eSports “đình đám” có sự tham dự của các game thủ Việt Nam phải kể đến Fifa Online, Counter Strike 1.6 hay Đột kích và đặc biệt là DotA Warcraft.
Sau 20 năm hình thành và phát triển, cho đến thời điểm này eSports mới thực sự được công nhận và phát triển mạnh mẽ.